Cùng với sự tăng giá chung của các nước trong khu vực Đông Nam Á, giá tiêu dùng tại quốc đảo Singapore tăng khoảng 20%. Sự biến thiên của giá cả khiến cho nhiều du học sinh Việt trên đất nước này gặp không ít khó khăn trong chi phí sinh hoạt hàng ngày.
-->
Trung bình mỗi năm có khoảng 60 - 80 sinh viên Việt Nam du học tại Singapore. Hiện có khoảng 3.000 du học sinh Việt sinh sống và học tập ở đất nước này, trong đó, chỉ tính riêng trường NUT có hơn 600 em. Đại diện công ty tư vấn GES cho biết: "Mặc dù hơn 80% du học sinh Việt đều được nhận sự trợ giá từ chính phủ Singapore nhưng không thể tránh khỏi khó khăn chung của sự tăng giá ở khu vực Đông Nam Á hiện nay". Việc giá cả tiêu dùng tăng vọt đã khiến cho nhều du học sinh phải vất vả hơn khi đối mặt với "cơm, áo, gạo, tiền".
Phòng trọ 22 triệu đồng
Khảo sát một vòng các nhà trọ của sinh viên Việt tại ba ĐH: Quốc gia Singapore (NUS), Công nghệ Nanyang (NTU), Quản lý Singapore (SMU), hầu hết đều tăng giá khoảng 1.500 SGD - 2.000 SGD (16 triệu đồng - 22 triệu đồng. Hai anh em Vũ Anh, Nguyễn Tuấn (du học sinh trường NUS) ở phòng diện tích 15 m2 với giá 2.000 SGD (22 triệu đồng) một tháng. "Nếu cộng cả tiền chi phí điện nước, internet ít nhất mỗi tháng chúng tôi phải chi mất 2.500 SGD ( 28 triệu đồng)", Tuấn cho biết. Cách đây ba tháng, giá tiền thuê nhà 1.500 SGD (16 triệu đồng) bao gồm chi phí sinh hoạt. Hai anh em Tuấn đi nghiên cứu sinh, được bố mẹ chu cấp một tháng 10 triệu cùng với tiền học bổng cũng đủ trang trải cho mọi khoản chi tiêu. "Giá phòng tăng 500 GSD (6 triệu đồng), tiền điện nước, internet tự trả, phương tiện công cộng tăng khiến cho anh em tôi phải chắt bóp tiền ăn để chi trả tiền nhà", Vũ Anh buồn bã nói.

Nguyễn Cường, du học sinh trường NTU lại phải long đong tìm nhà vì bị chủ đuổi. "Hôm trước em cho bạn ngủ nhờ qua đêm bị chủ bắt được thế là bị đuổi, vừa mất 1.000 SGD (11 triệu đồng) tiền đặt cọc lại không có chỗ ở. Tốt nhất là đừng vi phạm điều lệ của chủ nhà vì như thế chỉ thiệu mình", Cường tâm sự.
Căn phòng 20 m2 nằm ở 51 Cuppage Road # 02-01, nơi Ngọc, Lan, Thuỳ cùng năm sinh viên Ấn Độ trọ học có giá 500 SGD (6 triệu đồng). Đây được coi là sự may mắn nhất của những sinh viên ngoại quốc, nhất là các du học sinh Việt. Phòng hẹp, mỗi sinh viên chỉ được hơn 2m2 để đặt chiếc giường và tủ quần áo. Do phòng ở chật lại có sự khác nhau về lối sống nên cuộc sống chung của sinh viên hai nước nẩy sinh nhiều vấn đề. Vì thế, ở được sáu tháng, Ngọc, Lan, Thuỳ lại đi tìm nhà trọ mới.
Với các sinh viên du học ở Singapore, không có nhà trọ xây từng dãy như ở Việt Nam mà chỉ có phòng chung chủ hoặc các căn hộ chung cư. "Nếu năm ngoái một căn hộ 2.000 SGD (22 triệu đồng) có bốn phòng ngủ cho tám người ở thì nay chỉ được hai đến ba người ở là cùng. Chủ nhà không tăng tiền phòng nhưng hạn chế người ở khiến cho chi phí trở nên đắt đỏ", Tuấn cho biết. Theo Tuấn, nếu ở một mình phải mất 600 SGD một tháng (6 triệu đồng) với giá nhà trọ bình dân, cao nhất là 3.200 SGD (35 triệu đồng). Thường, ở kí túc xá rẻ hơn, thuận tiện xe bus nhưng phần lớn ưu tiên cho các tân du học sinh mới đến. Tuy vậy, số lượng này cũng chỉ được ở chắc chắn năm đầu, sau nửa năm học, dựa vào bảng điểm hoạt động để xét ai được ở hay không, đa số các du học sinh phải ra trọ ngoài.
Ngoài việc tăng tiền nhà, các chi phí sinh hoạt hàng ngày cũng tăng lên. "100 SGD (1,1 triệu đồng) vé xe bus, điện nước một tháng 500 SGD ( 6 triệu đồng). tăng 30 % so với năm ngoái. Đó là chưa kể tiền ăn uống, internet, tiền phí hàng tháng đang tăng lên chóng mặt", Ngọc cho biết.

Đối mặt với giá
Để đủ tiền trang trải cho cuộc sống, nhiều sinh viên phải đi làm "parttime" (làm thêm ngoài giờ) ở trong trường, bán vé máy bay ở các đại lý là công việc được nhiều du học sinh thực hiện. Minh Ngọc, du học sinh trường Kaplan cho biết: "Ngoài việc cố gắng học để dành lấy một suất học bổng, chúng tôi còn liên lạc với các công ty du lịch trong nước, thành lập câu lạc bộ dẫn tuor". Hiện, Ngọc cùng với một nhóm sinh viên Việt trong trường làm "ban liên lạc" cho những khách nước ngoài muốn đến Việt Nam. "Chúng tớ còn hướng dẫn Tây ba lô nên mỗi ngày kiếm được 50 SGD (550.000 đồng). Công việc không đến nỗi vất vả mà lại còn có thời học", Ngọc cho hay. Vũ Anh, du học sinh trường NUT, ngoài những buổi làm thêm ở trong trường, Anh còn xây dựng các dự án cho các công ty nước ngoài. Mỗi tháng, Anh thu về khoảng 500 SGD (6 triệu đồng). Nhằm hỗ trợ cho sinh viên trong "cơn lốc tăng giá", chính phủ Singapore đã áp dụng khung tăng tiền học bổng khoảng 25% cho mỗi sinh viên so với những năm trước. Sự trợ giá này hầu như chỉ áp dụng cho những trường công lập, còn những trường tư thục rất ít. "Những du học sinh tự túc gần như phải nhờ sự trợ giúp nhiều từ phía gia đình", Vũ Anh cho biết thêm.