Ơiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiii Huế của tui ^^'




ĐÔI NÉT VỀ HUẾ

Vào thời-kỳ Hồng Bàng, Huế nói riêng và Thuận Hoá nói chung thuộc bộ Việt Thường, một trong 15 bộ của nước VĂN LANG.

Dưới triều vua Trưng, Huế thuộc quận Nhật Nam, một trong sáu quận miền nam NGŨ LĨNH.
Sau khi người Tàu tái lập ách đô hộ, họ bị người Lâm Ấp (tức Chiêm Thành) đánh đuổi khỏi Nhật Nam, từ đó Thuận Hóa do người Chiêm kiểm soát với địa danh là châu Ô và châu Lý.

Trong suốt nhiều thế-kỷ, hai châu Ô, Lý từng là vùng tranh chấp giữa hai dân tộc Chiêm, Việt. Cho tới đầu thể kỷ XIV, đời nhà Trần, mới vĩnh viễn thuộc về nước ta và châu Ô đổi thành châu Thuận, châu Lý đổi thành châu Hóa.

Thời Minh thuộc, hai châu Thuận và Hóa được ghép chung thành phủ Thuận Hoá, sang đời Lê đổi thành lộ rồi xứ và cuối cùng là trấn Thuận Hóa.

Trấn Thuận Hóa, từ khi Thái Úy Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng (tức chúa Tiên hay Thái Tổ Gia Dũ Hoàng-đế triều đại Nguyễn-phước) được vua Lê Anh Tông cử vào trấn nhậm, đã dần dần được cải tiến, chuyển hoá từ tình trạng khu giới tuyến địa đầu lỏng lẻo về tổ-chức, bất ổn về an ninh thành một miền đất ổn định và an lạc.

Kế tục sự nghiệp chúa Nguyễn Hoàng, các chúa Nguyễn hậu duệ một mặt tích cực mở mang lãnh thổ về phiá nam, mặt khác lo xây dựng, canh tân, bồi đắp cứ địa căn bản Thuận Hoá, đưa vùng này lên địa vị một trung-tâm chính trị, hành chánh và văn học vô cùng quan trọng.

Từ năm 1636, chúa Thượng Nguyễn phúc Lan chọn Kim Long ở phiá bắc Huế làm thủ phủ. Nửa thế kỷ sau, năm 1687, chúa Nghĩa Nguyễn phúc Thái lần thứ nhất, rồi 1738, Võ vương Nguyễn phúc Khoát lần thứ nhì, đều đặt thủ phủ ở làng Phú Xuân thuộc huyện Hương Trà, cho xây dựng thành trì, cung thất, mở mang giao thông thủy bộ... Từ đó Phú Xuân tức Huế nghiễm nhiên trở thành một vị trí lịch sử với nhiều ưu điểm về chiến lược.

Sau khi thống nhất đất nước, Thế-tổ Cao-hoàng đế Gia Long, cho xây dựng kinh thành Huế với công tŕnh quy mô to lớn, phối hợp kỹ thuật kiến trúc Đông và Tây.
Trên dòng lịch sử, Kinh đô Huế từng trải qua nhiều thăng trầm theo vận nước phế hưng :

Huế từng là chứng tích của những cuộc tranh phong khốc liệt giữa các thế lực nội chiến Trịnh , Nguyễn và Tây Sơn.

Huế đã ghi đậm những nét bi hùng của trận chiến chống xâm lược Pháp năm Ất Dậu 1885.

Huế cũng là mục tiêu chính của vụ tàn sát bách hại chưa từng có trong lịch sử dân tộc, phát động bởi nhóm người ngụy tín cuồng sát vào Tết Mậu Thân 1968.
Huế còn trải qua chẳng biết cơ man nào những biến cố đau thương khác.

Thế nhưng, được củng cố un đúc từ khí thiêng sông núi, địa linh Huế sau bao cơn biến động, vẫn sừng sững ngang nhiên vượt thắng mọi thách đố, vẫn tồn tại và vươn lên trong thời gian miên trường, trong không gian miên viễn.

Phối hợp cùng những đăi ngộ từ thiên nhiên, Huế còn có những công trình xây dựng do nhân lực với nhiều kiến trúc quy mô : nào đền đài miếu vũ, nào lăng tẩm chùa chiền, tiêu biểu hơn hết là kinh thành Huế, đă làm ấn tích hùng hồn đánh dấu thời vàng son về văn hoá của một triều đại.

Huế ngày nay không chỉ là chiếc nôi yêu thương xứng đáng là niềm tự hào, kiêu hãnh của riêng người Huế hay người Việt, mà Huế đă chuyển mình trở thành đối tượng trân qúi chung của cả nhân loại.

Tìm về đất Huế là tìm về một vùng trời tĩnh lặng, thơ mộng và an bình. Nghĩ tới người Huế là nghĩ tới cái đậm ngọt trong tình tự, cái đoan trang trong cung cách ; là suy tưởng tới cái bản chất đôn hậu hiền hoà, cái nếp sống hồn nhiên tự tại ; là mường tượng thấy nét e ấp qua làn môi, sự kín đáo trong nụ cười, nỗi thẹn thùng nơi khoé mắt. Ít khi người ta bắt gặp được ở đất Huế hay từ dân Huế những sự xô bồ, suồng sã, thô bạo.

Nói thế, nhưng Huế cũng như mọi nơi khác, vẫn chịu chi phối bởi luật tương đối, thừa trừ của tạo hóa. Song song bên cạnh những ân sủng thiên phú, Huế đã vướng mắc ít nhiều khuyết tật, rơ nét nhất là về mặt khí hậu và kinh tế : nào là thời tiết mưa nắng thất thường với cái nóng ẩm ghê người vào tháng hè, cái mưa dầm triền miên buốt giá về mùa đông ; nào là tính khô cằn thiếu mầu mỡ của những đồng bằng nghèo nhỏ hẹp, khiêm tốn mà phần lớn là đất cày lên sỏi đá.

Tuy nhiên, chính từ môi trường bạc đãi đầy cam go, Huế đã vươn lên một sức sống dồi dào, một kháng tính mạnh mẽ. Từ trong khó khăn gian khổ, dân Huế tôi luyện được cho chính mình sức chịu đựng bền dẻo, đủ khả năng đương đầu với mọi nghịch cảnh.

Thiên nhiên đã phối hợp hài hòa cùng lịch sử để kiến tạo Huế thành chiếc nôi bao dung, bồi dưỡng, un đúc nhiều thế hệ con dân có những nét đặc thù về tâm hồn lẫn phong cách.

Trong “Ô Châu cận lục”, Dương văn An có nhận định : đàn ông Huế thì kiên cường, dũng cảm ; đàn bà Huế thì yểu điệu, đoan trang.

Trong “Địa dư chí”, Nguyễn Trãi bình luận rằng : dân Thuận Hóa đã hấp thụ nếp sống của Chiêm Thành nên quen chịu đựng khó khăn, gian khổ.

Phan Kế Bính thì cho là người Huế khiêm tốn và kín đáo. Tính kín đáo ấy đã được Bích Lan phát hiện một cách lý thú rằng :

“Người xứ Huế trang nghiêm và trầm lặng,
Thường hay buồn
giữa lúc thế nhân vui,
Tâm sự nhiều mà ít hé trên môi ...”


Cảnh Huế thì thơ mộng, người Huế lại đa tình nên Huế hiển nhiên là tụ điểm của thi ca và nghệ thuật. Mỗi cơ thể Huế chất chứa một hồn thơ, mỗi mảnh đất Huế là một nguồn cảm hứng phong phú đủ làm chủ đề cho cả một kho tàng thi, văn, nhạc, hoạ.

Hình như Huế có một hấp lực lôi cuốn, dụ hoặc rất kỳ diệu, khiến cho ai trót sinh ra, lớn lên từ Huế là trọn đời “đi thấy nhớ, ở thấy thương” ; khiến cho ai, từ bất cứ phương trời nào, một lần dừng chân nơi đất Huế là mãi mãi lưu luyến, vấn vương “đi thì nhớ, ở thì mê “.

Tuệ Quang Tôn Thất Tuệ

0 nhận xét ^^':